Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Thời của 'cua khổ sai'

“Anh T. hả, giá cua lúc này thế nào?”, tôi alô hỏi một vựa cua ở Cà Mau và đầu dây bên kia trả lời: “Anh hỏi cua gì, cua gạch hay cua y? Cua dây hay không dây? Dây 12, dây 14 hay cua đạp giá nó khác...”.
Mới nghe qua đã chóng mặt vì đủ loại cua, nhưng kỳ thực sự phân loại đó đều dựa vào lượng dây nhiều hay ít.

Từ Cà Mau, Bạc Liêu...


Lời chào hàng có phần thẳng thắn ấy của chủ một vựa cua ở xã Hòa Tân (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) làm chúng tôi không khỏi ngớ người. Hỏi một anh bạn nhiều năm làm nghề lái cua ở xã Tạ An Khương Nam (H.Đầm Dơi, Cà Mau), chúng tôi mới hiểu “thuật ngữ” của các cơ sở trói cua ở đây.

Cua chỉ thật sự gọi là “cua dây” khi những con cua này phải chịu “trói đẹp” của người bán. “Cua dây 14 là 1 kg cua sau khi trói tăng lên 1,4 kg, cua dây 12 là 1 kg cua sau khi trói tăng lên 1,2 kg, còn cua đạp thì phải... đạp xuống chân để trói, trói mút mùa, lên 15, 16 thậm chí 1 kg cua ra 2 kg dây cũng được”, một lái cua giải thích.

Khác với việc bơm tạp chất vào tôm, bơm nước vào gia súc, việc trói cua để tăng trọng lượng ở nhiều vựa cua được xem là chuyện... hiển nhiên.
Con cua này nặng 450 gram. Khi tháo bỏ dây buộc chỉ còn 350 gram.
“Cua dây thường có giá rẻ hơn cua không dây 30.000-50.000 đồng/kg, người mua có quyền lựa chọn mua hay không. Cua trói dây để bán cho những người thích... giá rẻ. Nhưng thực tế sau khi trừ hao dây, giá nó cũng vậy, thậm chí ham mua cua rẻ có khi còn lỗ”, M., một người mua bán cua, cố gắng bao biện việc làm ăn của anh ta.

Để chứng minh mình chẳng có gì giấu giếm, M. đưa chúng tôi đến một khu vực tập trung nhiều vựa cua trên địa bàn xã Hòa Thành (TP Cà Mau). Các cơ sở này trở nên nhộn nhịp hẳn lên khi có mặt đội ngũ trói cua mướn.

Họ bình thản trước sự xuất hiện của người lạ. Cua được các lái mua gom khắp nơi về bán lại cho vựa. Vựa sau khi phân loại thì giao cua đến bộ phận trói. Dây trói phần nhiều là vải thun, được ngâm trong những thùng chứa hồ (bột năng pha) và bùn cát.

Những con cua sau khi bị “gông cùm” bởi những sợi dây quá cỡ sẽ được cho vào thùng xốp, để từ đây lên xe đi các nơi. “Ở đây trói như thế là 'vừa', nhưng đi các nơi nhiều khi người ta tiếp tục trói, mình không kiểm soát được”, một chủ vựa cua phân trần.

Một thời gian dài trước đây, việc làm dây trói cua đã mang lại sự sung túc cho nhiều hộ dân sống ven quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Giá Rai (Bạc Liêu). Người dân ở đây ban đầu chỉ làm dây lác giập, ngâm nước rồi bó từng bó bán cho các vựa cua ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng...

Làm ăn được thời gian, nhiều người đã nghĩ cách ngâm dây với nước pha lẫn bùn, cát. Nhiều vựa cua thấy lợi nhuận tăng lên từ việc làm gian dối này cũng đặt hàng làm “dây trói tăng trọng”.

Tuy nhiên, sau này nhiều người bán cua trói đã ít dùng dây lác, mà mua vải vụn ở các cơ sở may công nghiệp về ngâm tẩm với hồ, cát để tăng trọng. Vì vải ngậm nước nhiều hơn, hút bẩn nhiều hơn nên nặng hơn dây lác.

Ông Nguyễn Minh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bạc Liêu, cho biết, mấy năm trước đơn vị này từng phối hợp với cơ quan truyền thông lên tiếng, nhằm dẹp chuyện “cua khổ sai”. Mặt khác, ông cũng cử lực lượng kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở mua bán cua không được làm ăn gian dối.

“Nhưng chúng tôi chỉ nhắc nhở vì rà lại các quy định thì không có quy định nào phạt hành vi bán cua trói dây lớn cả. Đây không phải hành vi gian lận hay đưa tạp chất vào cua. Bây giờ chỉ còn trông vào lương tâm người bán”, ông Trung thở dài ngán ngẩm.

Cua buộc dây to đùng tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP HCM).

... đến TP HCM


Ghé vào một vựa hải sản trên đường song hành (xa lộ Hà Nội, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) hỏi mua sỉ cua về bán lẻ, nhân viên vựa này nhanh nhảu lật từng thùng xốp đựng cua (cua được buộc chặt bằng dây nilon to bằng ngón tay cái), giới thiệu: “Ở đây toàn cua Cà Mau, có bốn loại giá 260.000-380.000 đồng/kg. Nếu lấy sỉ thì giá mềm hơn”.

Bà T., chủ vựa, nằm lắc lư trên võng ghi số điện thoại đầu mối cung ứng cua và nói: “Nếu mua sỉ với lượng lớn chỉ cần điện thoại khoảng vài giờ là có hàng. Giá thì có bốn mức, nhưng còn tùy theo dây bự hay dây nhỏ. Cua 3 lạng (0,3 kg) dùng dây khác, cua lớn hơn dùng dây khác, đối với cua biển là phải coi dây”.

Theo bà này, để ăn gian trọng lượng, hiện nay từ vựa đến các điểm bán lẻ ngoài đường đều sử dụng dây buộc. Có bốn loại dây thông dụng là dây vải, dây chuối, dây nilon và dây dừa. “Buộc dây vải ngấm nước nhiều nên nặng hơn dây dừa và dây chuối. Khi đã buộc các loại dây này thường ăn gian trọng lượng cua được 2 lạng, thậm chí cả nửa ký”, bà này khẳng định.

Theo bà T., bây giờ muốn lấy sỉ 1 kg cua mấy lạng dây đều có hết. “Nếu lấy bán thì lấy cua buộc dây vừa thôi, 1 kg cua chừng 2-3 lạng dây, dây bự quá khó bán. Cứ tính toán kỹ, muốn lấy cua buộc dây như thế nào thì thông báo cho mối họ sẽ tự cuốn dây. Muốn 4 lạng người ta làm 4 lạng, muốn nửa ký người ta làm nửa ký, muốn nhiêu người ta 
cuốn dây nhiêu à”, bà này bật mí.

Vừa quảng cáo, bà này chỉ vào trong thùng xốp đựng cua của vựa khẳng định: “Cua đó buộc dây phải chiếm 2-2,5 lạng do cuốn dây nilon nên nhẹ hơn, bán ra lời ít nhất 50.000 đồng/kg”.

Lấy lý do để xem trọng lượng thật của cua là bao nhiêu, chúng tôi mua hai con cua buộc dây nilon, và yêu cầu bà T. cân thử. Hai con cua trên có trọng lượng 4,5 lạng, sau khi tháo dây cân chỉ còn 3 lạng.

Tại sạp bán hải sản của ông Bản (chợ Phạm Đăng Giảng, quận Bình Tân), khi tôi hỏi mua cua thì ông Bản báo giá 160.000-190.000 đồng/kg tùy loại. Thấy cua buộc dây nilon, dây vải, dây lác có độ dày khác nhau, tôi thắc mắc thì ông Bản giải thích “cua càng lớn thì buộc dây càng dày để khỏi bị sổng”.

Tôi tiếp tục hỏi cắc cớ: “Dây dày quá liệu có đủ trọng lượng cua không? Có thể tháo dây ra cân cho tôi được không?”. Ông Bản trả lời: “Muốn tháo dây ra cân cũng được nhưng giá bán sẽ khác, 300.000-380.000 đồng tùy loại... ”.

Ông Bản khẳng định: “Tôi chỉ bán lẻ, cua và giá đã định sẵn vậy rồi, cậu mua ở đâu cũng thế...”.


Buộc dây là... thông lệ


Anh N.N.H., giám đốc công ty kinh doanh hải sản ở quận 12, khẳng định việc buộc dây tăng trọng lượng cho cua đã là “thông lệ” trong giới kinh doanh cua. Anh H. cho biết, cua chủ yếu nuôi tại Cà Mau, Bến Tre được đầu nậu mua tại chỗ.

Quy cách dây buộc cua được các đầu nậu đầu mối thống nhất với nhau. Dây buộc chủ yếu bằng vải, dây nilon hoặc dây lác. Độ dày của dây buộc tùy thuộc vào độ lớn của cua. Chủ yếu phân ra làm hai độ dày dây buộc, tương ứng với cua loại bốn hoặc ba con/kg và hai con/kg. Để tăng trọng lượng, dây buộc cua luôn được nhúng nước, thậm chí nhúng bùn trước khi cân bán. Theo anh H., dây buộc làm tăng thêm 3-5/10 tổng trọng lượng cua.

Anh H. cho biết, nguồn gốc của việc buộc các loại dây có thể thấm nước là để giúp cua không bị khô nước mà chết, giúp cua sống lâu. Tuy nhiên, việc này sau đó bị lạm dụng để tăng trọng lượng. Anh H. cho biết khi mua, các đầu nậu đầu mối tại các tỉnh đã buộc sẵn cua theo quy cách, rồi xuất bán đi các tỉnh thành miền Đông Nam bộ (TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương...).

Trước đây, cua đưa lên TP HCM thì các đầu nậu đầu mối thường dùng dây lác, dây vải có nhúng bùn để tăng trọng lượng cua. Tuy nhiên, thời gian sau đó các mối phân phối ở TP HCM yêu cầu không được ngâm bùn, vì mất vệ sinh và không phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Từ đó, cua được buộc dây nilon và không còn tình trạng ngâm bùn.

Với cua xuất bán cho miền Bắc, các đầu mối ở TP Hải Phòng yêu cầu để nguyên cua không buộc dây, đưa ra đó họ tự xử lý hình thức buộc cua và giá. Tuy nhiên, giá cua không buộc dây do đầu nậu cung cấp cho Hải Phòng cao gần gấp đôi giá cua có buộc dây cung cấp cho các tỉnh miền Đông Nam bộ. Anh H. giải thích, “vì dây buộc chiếm gần 
nửa tổng trọng lượng cua rồi”.

Thông tin liên hệ:

Tel: 0125 558 3855 - 01654 834 438
Add: thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. 
Tham khảo thêm: http://cuanamcan.blogspot.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét